Khi trẻ nói dối
Thông thường ở tuổi mẫu giáo, bé bắt đầu tưởng tượng ra những câu chuyện và đã đến lúc bé hay nói dối.
![]() |
Thông thường, khi trẻ lên ở tuổi mẫu giáo, trẻ bắt đầu tưởng tượng ra những câu chuyện. Bạn không nên cho rằng trẻ đang nói dối vì trẻ đang cố gắng kết hợp giữa thực tế và tưởng tượng vào trong câu chuyện của mình.
Trẻ nhỏ không có lý do và động lực nói dối như người lớn. Cách chúng nói dối liên quan trực tiếp đến lứa tuổi. Đôi khi chúng cũng phản ứng khác nhau với những sự kiện diễn ra hàng ngày, tuỳ thuộc vào việc chúng sợ hãi như thế nào và chúng mơ những gì. Những phản ứng đó thay đổi theo năm tháng. Lớn lên, trẻ có thể kiểm soát được suy nghĩ của mình cẩn thận hơn.
Thông thường trẻ nói dối để được tán dương, kể cả với các bạn cùng trang lứa. Đôi khi trẻ nói dối chỉ để gây sự chú ý của người khác, chẳng hạn để tạo ấn tượng với một bạn mới. Trẻ có thể dễ dàng hình thành thói quen nói dối, sau đó trẻ sẽ không thể nhận ra sự khác nhau giữa những lời nói thật và nói dối nữa.
Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng vì chúng nói dối nên có thể những người xung quanh không tin tưởng chúng. Khi trẻ nói dối và bị người lớn phát hiện, trẻ có xu hướng không tin chính mình. Hãy nói với trẻ rằng bằng việc nói thật, chúng sẽ có được sự tin tưởng của người khác, và rằng điều này rất quan trọng.
Khi trẻ ở độ tuổi từ mười trở đi mà vẫn tiếp tục nói dối sẽ tạo cho trẻ thói quen. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đang trong quá trình phát triển phức tạp, có những vấn đề đặc biệt. Bạn cần tìm hiểu và xác định nguyên nhân vì sao trẻ nói dối.
Nếu chúng ta muốn trẻ hiểu rằng nói dối làm mất niềm tin, và rằng niềm tin rất cần thiết để có được sự yêu thương, chúng ta cần xem lại những tình huống giúp tránh và ngăn cản trẻ nói dối. Chúng ta không thể hỏi trẻ những gì mà chính chúng ta cũng không thể giải thích cho trẻ.
Vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách ở trẻ, mỗi cha mẹ cần là tấm gương cho con cái học theo.